BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ
HỘI
-------- |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------- |
Số: 27/2013/TT-BLĐTBXH
|
Hà Nội, ngày 18 tháng 10 năm 2013
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ CÔNG TÁC
HUẤN LUYỆN AN TOÀN LAO ĐỘNG, VỆ SINH LAO ĐỘNG
Căn cứ Điều 150 của Bộ luật lao động ngày 18
tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Nghị định số 45/2013/NĐ-CP ngày 10 tháng
5 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về
thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động;
Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng
12 năm 2012 của Chính phủ, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục An toàn lao
động;
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
ban hành Thông tư quy định về công tác huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao
động.
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Thông tư này hướng dẫn thực hiện Khoản 4,
Điều 150 Bộ luật lao động quy định về điều kiện của tổ chức hoạt động dịch vụ
huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động; xây dựng chương trình khung huấn
luyện về an toàn lao động, vệ sinh lao động; danh mục công việc có yêu cầu
nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động.
2. Thực hiện Nghị định số 45/2013/NĐ-CP ngày 10
tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao
động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao
động về hướng dẫn và quản lý việc tổ chức huấn luyện về an toàn lao động, vệ
sinh lao động.
3. Thông tư này không điều chỉnh hoạt động huấn
luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động thuộc các chương trình, dự án của Nhà
nước, các tổ chức quốc tế và trường hợp các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, tổ chức, hợp
tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động (sau đây gọi tắt là
cơ sở).
2. Tổ chức hoạt động dịch vụ huấn luyện an toàn
lao động, vệ sinh lao động (sau đây gọi tắt là tổ chức hoạt động dịch vụ huấn
luyện) và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được
hiểu như sau:
1. Tổ chức hoạt động dịch vụ huấn luyện là
các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định
của pháp luật và thực hiện dịch vụ huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao
động.
2. Giảng viên cơ hữu là giảng
viên trong biên chế hoặc hợp đồng lao động có thời hạn từ 12 tháng trở lên.
Chương 2.
CÔNG TÁC TỔ CHỨC HUẤN LUYỆN AN TOÀN LAO ĐỘNG, VỆ SINH LAO ĐỘNG
Điều 4. Đối tượng huấn luyện an toàn lao động,
vệ sinh lao động
Đối tượng huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh
lao động theo quy định tại Điều 139, Điều 150 Bộ luật lao động được cụ thể
thành các nhóm sau:
1. Nhóm 1: Người làm công tác quản lý (trừ
trường hợp kiêm nhiệm theo quy định tại Điểm b, Khoản 2 Điều này) bao gồm:
a) Giám đốc, phó giám đốc các doanh nghiệp;
người đứng đầu và cấp phó các chi nhánh trực thuộc doanh nghiệp; người phụ
trách công tác hành chính, nhân sự; quản đốc phân xưởng hoặc tương đương;
b) Chủ nhiệm, phó chủ nhiệm hợp tác xã; chủ hộ
kinh doanh cá thể; chủ hộ gia đình có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động;
c) Thủ trưởng và cấp phó: các đơn vị sự nghiệp
của Nhà nước; các đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc cơ quan hành chính
sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội – nghề
nghiệp, đơn vị thuộc quân đội nhân dân, công an nhân dân; tổ chức nước ngoài,
tổ chức quốc tế đóng trên lãnh thổ Việt Nam có sử dụng lao động theo hợp đồng
lao động.
2. Nhóm 2:
a) Cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách về an
toàn lao động, vệ sinh lao động của cơ sở;
b) Người làm công tác quản lý kiêm phụ trách
công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động.
3. Nhóm 3:
Người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm
ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động theo danh mục ban hành kèm theo
Thông tư này (phụ lục I).
4. Nhóm 4:
Người lao động không thuộc 3 nhóm nêu trên (bao
gồm cả lao động là người Việt Nam, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt
Nam và người học nghề, tập nghề, thử việc để làm việc cho người sử dụng lao
động)
Điều 5. Nội dung huấn luyện
1. Huấn luyện nhóm 1
Nhóm 1 được huấn luyện kiến thức chung chủ yếu
sau đây:
a) Chính sách, pháp luật về an toàn lao động, vệ
sinh lao động;
b) Tổ chức quản lý và thực hiện các quy định về
an toàn lao động, vệ sinh lao động ở cơ sở;
c) Các yếu tố nguy hiểm, có hại trong sản xuất
và biện pháp khắc phục, phòng ngừa.
2. Huấn luyện nhóm 2
Nhóm 2 được huấn luyện kiến thức chung bao gồm:
a) Kiến thức chung như nhóm 1;
b) Nghiệp vụ tổ chức thực hiện công tác an toàn
lao động, vệ sinh lao động tại cơ sở;
c) Tổng quan về các loại máy, thiết bị, các chất
phát sinh các yếu tố nguy hiểm, có hại; quy trình làm việc an toàn.
3. Huấn luyện nhóm 3
Nhóm 3 được huấn luyện kiến thức chung và chuyên
ngành gồm:
a) Chính sách, pháp luật về an toàn lao động, vệ
sinh lao động;
b) Tổng quan về công việc, thiết bị có yêu cầu
nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động;
c) Các yếu tố nguy hiểm, có hại khi làm công
việc hoặc vận hành thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh
lao động;
d) Kỹ thuật an toàn lao động, vệ sinh lao động
khi làm công việc hoặc vận hành thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao
động, vệ sinh lao động;
đ) Xử lý các tình huống sự cố sản xuất, sơ cứu
tai nạn lao động.
4. Huấn luyện nhóm 4
Nội dung huấn luyện nhóm 4 gồm 2 phần sau:
a) Phần 1: Huấn luyện kiến thức chung về an toàn
lao động, vệ sinh lao động (huấn luyện tập trung);
b) Phần 2: Yêu cầu về an toàn lao động, vệ sinh
lao động tại nơi làm việc.
Điều 6. Thời gian và tài liệu huấn luyện
1. Thời gian huấn luyện
Thời gian huấn luyện tối thiểu với từng nhóm
được quy định như sau:
a) Nhóm 1 và nhóm 4: Tổng thời gian huấn luyện
ít nhất là 16 giờ, bao gồm cả thời gian kiểm tra;
b) Nhóm 2: Tổng thời gian huấn luyện ít nhất là
48 giờ, bao gồm cả thời gian huấn luyện lý thuyết, thực hành và kiểm tra;
c) Nhóm 3: Tổng thời gian huấn luyện ít nhất là
30 giờ, bao gồm cả thời gian kiểm tra.
2. Tài liệu huấn luyện
Tài liệu huấn luyện được biên soạn căn cứ vào
từng đối tượng huấn luyện, điều kiện thực tế và chương trình khung huấn luyện
do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành.
Điều 7. Tiêu chuẩn giảng viên huấn luyện, lưu
trữ hồ sơ giảng viên
1. Tiêu chuẩn giảng viên huấn luyện
a) Huấn luyện kiến thức chung
Giảng viên là người có trình độ đại học trở lên
và có một trong các điều kiện sau:
- Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm công việc về
an toàn lao động, vệ sinh lao động tại các cơ quan quản lý Nhà nước, các hội,
đoàn thể, cơ quan nghiên cứu;
- Có ít nhất 7 năm kinh nghiệm làm công việc về
an toàn lao động, vệ sinh lao động ở các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và có
Giấy chứng nhận Giảng viên huấn luyện được cấp tại Tổ chức hoạt động dịch vụ
huấn luyện có đủ năng lực do Cục An toàn lao động, Bộ Lao động – Thương binh và
Xã hội quyết định lựa chọn.
b) Huấn luyện chuyên ngành
- Giảng viên huấn luyện lý thuyết là người có
trình độ đại học trở lên phù hợp với chuyên ngành huấn luyện và có một trong
các điều kiện sau:
+ Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm công việc có
liên quan đến công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động tại các cơ quan
nghiên cứu, các hội, đoàn thể hoặc làm công tác quản lý Nhà nước về an toàn lao
động, vệ sinh lao động.
+ Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm công việc có
yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động tại các đơn vị sự
nghiệp, doanh nghiệp và có Giấy chứng nhận Giảng viên huấn luyện được cấp tại
Tổ chức hoạt động dịch vụ huấn luyện có đủ năng lực do Cục An toàn lao động, Bộ
Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định lựa chọn.
- Huấn luyện thực hành:
+ Huấn luyện thực hành nhóm 2: Giảng viên thực
hành có trình độ từ cao đẳng trở lên, phù hợp với chuyên ngành huấn luyện và
phải thông thạo công việc thực hành đối với các loại máy, thiết bị, hóa chất,
công việc được áp dụng thực hành theo Chương trình khung huấn luyện nhóm 2 được
ban hành kèm theo Thông tư này;
+ Huấn luyện thực hành nhóm 3: Giảng viên phải
có trình độ trung cấp trở lên phù hợp với chuyên ngành huấn luyện; có ít nhất 5
năm kinh nghiệm làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ
sinh lao động, hoặc làm công việc có liên quan đến công tác an toàn lao động,
vệ sinh lao động ở cơ sở phù hợp với công việc huấn luyện.
+ Huấn luyện thực hành nhóm 4: Giảng viên có
trình độ trung cấp kỹ thuật trở lên hoặc người có kinh nghiệm làm việc thực tế
ít nhất 5 năm.
2. Lưu trữ hồ sơ giảng viên huấn luyện
Tổ chức hoạt động dịch vụ huấn luyện và cơ sở tổ
chức huấn luyện phải lưu trữ bản sao hồ sơ của giảng viên huấn luyện gồm giấy
chứng minh nhân dân, bằng chuyên môn, xác nhận kinh nghiệm của giảng viên huấn
luyện.
Điều 8. Chứng nhận, Chứng chỉ huấn luyện
1. Đối tượng được cấp Chứng nhận, Chứng chỉ huấn
luyện
a) Nhóm 1: Sau khi tham dự khóa huấn luyện, được
kiểm tra nếu đạt yêu cầu thì được cấp Chứng nhận huấn luyện.
b) Nhóm 2, 3: Sau khi tham dự khóa huấn luyện,
được kiểm tra nếu đạt yêu cầu thì được cấp Chứng chỉ huấn luyện.
c) Nhóm 4: Kết quả huấn luyện được ghi vào sổ
theo dõi công tác huấn luyện tại cơ sở.
2. Thời hạn Chứng nhận, Chứng chỉ huấn luyện;
cấp đổi Chứng nhận, Chứng chỉ huấn luyện
a) Thời hạn Chứng nhận, Chứng chỉ huấn luyện
- Chứng nhận huấn luyện có thời hạn 2 năm;
- Chứng chỉ huấn luyện có thời hạn 5 năm.
b) Cấp đổi Chứng nhận, Chứng chỉ huấn luyện
- Cơ sở lập danh sách những người có Chứng nhận
huấn luyện trước khi hết hạn trong vòng 60 ngày, kèm theo bản phô tô Chứng nhận
huấn luyện đã cấp gửi Tổ chức hoạt động dịch vụ huấn luyện cấp (Chứng nhận hoặc
Chứng chỉ huấn luyện) để được huấn luyện định kỳ. Nếu kết quả huấn luyện đạt
yêu cầu sẽ được cấp đổi Chứng nhận huấn luyện mới;
- Cơ sở lập danh sách những người có Chứng chỉ
huấn luyện trước khi hết hạn trong vòng 60 ngày, kèm theo bản phô tô Chứng chỉ
huấn luyện đã cấp gửi Tổ chức hoạt động dịch vụ huấn luyện Cấp chứng chỉ để
được cấp đổi Chứng chỉ huấn luyện mới;
- Không cấp đổi đối với các trường hợp Chứng
nhận, Chứng chỉ huấn luyện hết hiệu lực theo quy định tại Khoản 5 Điều này;
c) Chứng nhận, Chứng chỉ huấn luyện do Tổ chức
hoạt động dịch vụ huấn luyện in và cấp theo mẫu quy định tại Thông tư này (mẫu
1, 2 phụ lục II).
3. Trong trường hợp Chứng nhận, Chứng chỉ huấn
luyện bị hỏng, mất thì người được cấp Chứng nhận, Chứng chỉ huấn luyện làm văn
bản giải trình có xác nhận của cơ sở gửi Tổ chức hoạt động dịch vụ huấn luyện
đã cấp để được cấp lại.
4. Quản lý Chứng nhận, Chứng chỉ, Sổ theo dõi
công tác huấn luyện
a) Tổ chức hoạt động dịch vụ huấn luyện mở sổ
theo dõi, cấp số Chứng nhận, Chứng chỉ huấn luyện cho các đối tượng được huấn
luyện (mẫu số 3, phụ lục II);
b) Cơ sở tổ chức huấn luyện mở Sổ theo dõi công
tác huấn luyện tại cơ sở (mẫu số 4, phụ lục II).
5. Chứng nhận, Chứng chỉ huấn luyện hết hiệu lực
trong các trường hợp sau:
a) Hết thời hạn hiệu lực ghi trong Chứng nhận,
Chứng chỉ huấn luyện;
b) Người được cấp Chứng nhận, Chứng chỉ huấn
luyện không tham dự huấn luyện lại, huấn luyện định kỳ theo quy định tại Điều 9
Thông tư này.
Điều 9. Huấn luyện khi chuyển đổi công việc,
huấn luyện lại, huấn luyện định kỳ
1. Huấn luyện khi chuyển đổi công việc
Đối tượng đã được huấn luyện, khi chuyển từ công
việc này sang công việc khác, khi có sự thay đổi thiết bị, công nghệ thì trước
khi giao việc phải được huấn luyện nội dung về an toàn lao động, vệ sinh lao
động phù hợp với công việc mới và được cấp Chứng nhận, Chứng chỉ huấn luyện
mới; đối tượng huấn luyện thuộc nhóm 4, kết quả huấn luyện được ghi vào sổ theo
dõi công tác huấn luyện ở cơ sở.
2. Huấn luyện lại
Cơ sở ngừng hoạt động hoặc người lao động nghỉ
làm việc từ 6 tháng trở lên thì trước khi trở lại làm việc, người lao động phải
được huấn luyện lại các nội dung theo quy định tại Điều 5 Thông tư này như sau:
Nhóm 1 huấn luyện nội dung điểm c khoản 1; nhóm 2 nội dung điểm b, c khoản 2;
nhóm 3 nội dung điểm c, d, đ khoản 3; nhóm 4 nội dung điểm b khoản 4. Thời gian
huấn luyện lại bằng 50% thời gian huấn luyện lần đầu.
3. Huấn luyện định kỳ
a) Huấn luyện nhóm 1:
Định kỳ 2 năm một lần kể từ ngày Chứng nhận huấn
luyện có hiệu lực, người thuộc nhóm 1 phải tham dự khóa huấn luyện định kỳ để
được cấp đổi Chứng nhận huấn luyện mới tại Tổ chức hoạt động dịch vụ huấn
luyện.
b) Huấn luyện nhóm 2, nhóm 3
Định kỳ 2 năm một lần kể từ ngày Chứng chỉ huấn
luyện có hiệu lực, người thuộc nhóm 2, 3 phải tham dự khóa huấn luyện định kỳ
tại Tổ chức hoạt động dịch vụ huấn luyện cấp Chứng chỉ huấn luyện.
c) Huấn luyện nhóm 4
Định kỳ được tổ chức ít nhất mỗi năm 1 lần.
4. Chương trình và thời gian huấn luyện định kỳ
Chương trình huấn luyện định kỳ được áp dụng như
đối với huấn luyện lần đầu; thời gian huấn luyện định kỳ bằng 50% thời gian
huấn luyện lần đầu.
Bài viết gốc: thuvienphapluat.vn/archive/Thong-tu-27-2013-TT-BLDTBXH-cong-tac-huan-luyen-an-toan-lao-dong-ve-sinh-lao-dong-vb214282.aspx
Bài viết gốc: thuvienphapluat.vn/archive/Thong-tu-27-2013-TT-BLDTBXH-cong-tac-huan-luyen-an-toan-lao-dong-ve-sinh-lao-dong-vb214282.aspx
0 Response to "Trích thông tư 27/2013 quy định về huấn luyện ATLĐ - VSLĐ"
Đăng nhận xét